Chọn giữ lại Messi là Barca chọn giữ lại cả những vấn đề trầm kha xung quanh cá tính, lối chơi và tầm ảnh hưởng quá lớn của siêu sao người Argentina.

Barca đối diện với hỗn loạn vì Messi ở lại10 ngày sau khi khiến cả thế giới chấn động với bản burofax đòi ra đi, Messi công khai quyết định ở lại Barca thêm ít nhất một mùa giải.

Trong gần 19 phút trò chuyện với Goal, ngoài việc thừa nhận tình yêu với Barca quá lớn và không thể khiến anh đưa tranh chấp ra tòa, Messi cũng công khai chỉ trích Chủ tịch Josep Bartomeu với các cụm động từ "không giữ lời hứa" và "điều hành thảm họa".

Nói cách khác, Messi tuyên bố với cả thế giới: Anh chỉ miễn cưỡng ở lại Barca.

Cú đấm vào Barca


Messi hoàn toàn không kiêng nể đội bóng đã nuôi nấng và đưa mình lên đỉnh cao sự nghiệp. Những điều tích cực El Pulga nói với Goal hoặc là câu chuyện của quá khứ, hoặc phi bóng đá như môi trường cho con ăn học Barcelona.

Messi chỉ đề cập một lần tới tân HLV Ronald Koeman, nhưng cũng không chỉ đích danh tên nhà cầm quân người Hà Lan. El Pulga nói: "Có một HLV mới cùng những ý tưởng mới. Điều đó tốt, nhưng còn phải xem cả đội đón nhận điều đó ra sao, và chúng có thể giúp Barca cạnh tranh được hay không".

Barca đối diện với hỗn loạn vì Messi ở lại
Messi sẽ không rời Barca. Ảnh: Getty.

Trước chữ "nếu", tất cả đều vô nghĩa. Messi rõ ràng đang ngầm đưa ra cảnh báo tới Koeman về áp lực tại Barca. Đó sẽ không đơn giản là áp lực thành công ở một CLB khổng lồ, mà còn là áp lực từ chính Messi, người đang thể hiện bản thân có quyền lực ngoài sân cỏ không thua gì chủ tịch đội bóng, và là thủ lĩnh tuyệt đối về chuyên môn ở Camp Nou.

Messi là trường hợp độc nhất vô nhị trên thế giới, không chỉ bởi tài năng, mà còn là tầm ảnh hưởng. Roy Keane từng lên tiếng chỉ trích đồng đội trên truyền hình và ngay lập tức bị Sir Alex Ferguson tống cổ khỏi Old Trafford.

Trong quá khứ, Alfredo Di Stefano sau khi chỉ trích công khai HLV Munoz đã bị Real tống ra đường ngay trong đêm dù sắm vai huyền thoại vĩ đại bậc nhất lịch sử CLB.

Vậy mà Messi sau khi công khai ý định đòi rời Barca, trực tiếp tạo ra sự hỗn loạn chưa từng thấy, vẫn có thể ở lại, thậm chí gần như chắc chắn tiếp tục là đội trưởng, linh hồn hay bất kỳ mỹ từ gì các cule từng sử dụng để ca ngợi anh.

Cuộc nổi loạn bất thành của Messi đã lật tẩy toàn bộ mâu thuẫn ở Barca. Một CĐV bình thường giờ cũng biết Chủ tịch Bartomeu dối trá ra sao khi lừa Messi về hợp đồng, biết giao kèo giữa El Pulga và Barca chẳng hề có khoản bồi thường nào lên tới 700 triệu euro, và biết luôn Messi ghét cay ghét đắng Bartomeu như thế nào.

Toàn bộ những mâu thuẫn suốt 10 ngày qua là cú đấm vào lòng tự tôn của Barca, đội bóng vẫn luôn tự hào với khẩu hiệu "Mes que un club" (Hơn cả một CLB).

Khẩu hiệu trứ danh này xuất hiện từ năm 1968, trong bài phát biểu nhậm chức chủ tịch Barca của Narcis de Carreras. Trong cuốn sách "De Puertas Adentro" (tựa Việt: Bên trong cánh cửa), nhà báo Lluis Lains nhấn mạnh tinh thần "Mes que un club" đã được nhiều nhà sử học và xã hội học nghiên cứu kỹ lưỡng.

Mọi đánh giá đều làm bật tình đoàn kết, chí hướng thể thao, chính trị và xã hội trong tập thể thống nhất là Barca.

Song giờ đây, "Mes que un club" đang bị chà đạp khi Messi đứng trên cả Barca với quyết định nâng lên đặt xuống tương lai nhẹ tựa lông hồng. Barca không còn là "Gã khổng lồ xứ Catalonia". Người khổng lồ thực sự là Messi, và Barca chỉ là kẻ đứng trên vai siêu sao người Argentina.

Cuộc cách mạng trước nguy cơ đổ bể


Koeman, như tất cả những gì thế giới biết về ông, là người sở hữu cá tính cực mạnh, không chịu thỏa hiệp và sẵn sàng gây chiến với những cá tính lớn trong đội bóng để khẳng định quyền lực.

Tờ Telegraph từng đặt câu hỏi "Liệu Koeman có đủ cá tính để đương đầu với cầu thủ hay nhất lịch sử bóng đá thế giới hay không?" sau khi ông nhận lời dẫn dắt Barca.

"Lạy Chúa, chắc chắn là có. Ronald sẽ nghĩ mình là ngôi sao lớn hơn cả Messi kia", Telegraph dẫn lời người thân cận với nhà cầm quân người Hà Lan khi ông còn làm việc ở Anh.

Barca đối diện với hỗn loạn vì Messi ở lại
Messi sẽ đối đầu với cả HLV trưởng Koeman lẫn Chủ tịch Bartomeu trong năm cuối cùng tại Barca. Ảnh: Clutchpoint.

Khi Messi nổi loạn nhưng bất thành và quay trở cùng câu dằn mặt HLV trưởng, Koeman sẽ nghĩ gì? Quá khó để có thể biết chính xác câu trả lời, nhưng quá dễ để hiểu sẽ có không ít xung đột giữa hai cá nhân đứng đầu chuyên môn của Barca trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này.

Việc Messi ở lại cũng sẽ dẫn Barca về cái máng lợn cũ mà họ đã đối diện suốt 4 năm qua: Barca sẽ chơi như thế nào ở những trận đánh lớn tại châu Âu nếu Messi tiếp tục chạy ngày càng ít đi và chỉ thể hiện tầm quan trọng khi có bóng?

Jonathan Wilson của Guardian đã nói thẳng về quan điểm này khi nhấn mạnh: "Khi bóng đá đang ngày càng quan trọng việc đoạt bóng hơn là giữ bóng, những câu hỏi về Messi cũng bắt đầu xuất hiện. Messi vẫn tuyệt vời khi ghi nhiều hơn 25 bàn tại La Liga trong mùa thứ 11 liên tiếp, nhưng anh ta thực sự có đang trội hơn phần còn lại?

Vì sao trong 4 năm gần nhất, cả Barca và Argentina đều sa sút theo cách giống nhau? Và một cầu thủ 33 tuổi chạy ít như vậy có đáng để đầu tư 100 triệu bảng/năm cho tiền lương hay không?".

Barca với Messi đã bị Juventus, Roma, Liverpool và Bayern Munich đè bẹp theo cùng 1 kịch bản: đối thủ không cần phong tỏa Messi, họ chỉ cần đẩy tốc độ (hoặc bóp nghẹt) trận đấu lên mức không cho Messi theo kịp, Barca tự khắc tan vỡ.

Điều gì đảm bảo Barca sẽ không thua thảm tại Champions League mùa tới khi Messi vẫn ở lại và sắm vai trò tương tự. Nên nhớ, El Pulga sẽ 34 tuổi khi vòng knock-out mùa sau tới.

Câu chuyện khác là việc Koeman sẽ đối xử như thế nào với Griezmann, Coutinho, những cầu thủ tấn công cho thấy họ không hợp Messi, nhưng được hứa hẹn là sẽ có cơ hội dưới thời nhà cầm quân người Hà Lan.

Cuộc cách mạng tham vọng của Koeman lẽ ra đã có cơ hội lớn để thành hình nếu Barca để Messi rời đi. Song quyết định sống chết giữ Messi ở lại của BLĐ đội chủ sân Camp Nou khiến mọi thứ trở nên đầy miễn cưỡng

Messi sẽ xung đột với Koeman và chủ tịch đội bóng, Koeman không có được điều kiện tốt nhất để tái thiết, và những đồng đội sẽ lại phải nhìn Messi mà đá.

Chọn giữ lại Messi là Barca chọn giữ lại cả những vấn đề trầm kha xung quanh cá tính, lối chơi và tầm ảnh hưởng quá lớn của siêu sao người Argentina.

Những mâu thuẫn giữa Messi và đội ngũ lãnh đạo của Barca sẽ không biến mất ngay lập tức chỉ sau câu nói "ở lại" của El Pulga. Việc cứ dồn nén chúng để miễn cưỡng nắm tay nhau đi nốt 1 năm cuối cùng trong hợp đồng chỉ càng làm mọi thứ trở nên kỳ quặc và tốn thời gian.

Barca chọn Koeman với tham vọng tái thiết đội bóng, nhưng quyết định giữ Messi ở lại sau cuộc nổi loạn đang cho thấy nhà cầm quân Hà Lan chỉ là vật tế thần trong cuộc đấu đá chính trị không hồi kết ở thượng tầng CLB.

Ở tuổi 33, thời gian thi đấu đỉnh cao với sự sung mãn của Messi không còn nhiều. Và Barca đang lãng phí chúng khi cố gắng giữ anh ở lại Nou Camp.